Nhật Bản là một quốc gia xinh đẹp, người dân thân thiện. Tuy nhiên, sự thân thiện ở đây chỉ dừng lại khi bạn biết và ứng xử phù hợp với văn hóa của người dân địa phương. Với thói quen quay phim, chụp hình check-in của giới trẻ hiện nay, người lao động đã và chuẩn bị sang Nhật làm việc nên nắm rõ các nguyên tắc quay phim, chụp ảnh để tránh biến mình thành người không lịch sự khi đến xứ sở mặt trời mọc.
Tập thói quen xin phép trước khi chụp ảnh
Khi khám phá những khu phố ở Tokyo như: Akihabara, Ikebukuro hoặc Harajuku, du khách có ý định chụp ảnh bất cứ ai, một cosplayer, nhân viên bán hàng, đến nhân viên cafe hầu gái,… thì điều quan trọng là bạn cần nhớ là phải xin phép họ.
Để hỏi bằng tiếng Nhật, cụm từ “写真を撮ってもいいですか” (Shashin wo totte mo ii desu ka) có nghĩa là “Tôi có thể chụp ảnh không?”. Nếu không nhớ cụm từ này, du khách chỉ cần đơn giản chỉ vào máy ảnh của bạn trong khi mỉm cười và gật đầu, họ cũng sẽ hiểu ý bạn muốn chụp ảnh họ.
Quyền riêng tư được coi trọng tuyệt đối
Nhiều người có thói quen chụp ảnh mọi thứ, thậm chí video call để khoe với người thân, bạn bè. Tuy nhiên, người Nhật rất coi trọng sự riêng tư nên khi chụp hình hãy cố gắng không để hình ảnh người khác lọt vào bức ảnh. Hơn thế nữa, khi chưa nhận được sự cho phép, bạn cần làm mờ khuôn mặt của người trong bức ảnh nếu muốn đăng tải nó trên Internet. Người lao động đến Nhật Bản cần làm quen với việc xin phép chụp cũng như chia sẻ bức ảnh đến bạn bè của mình. Người Nhật có thói quen làm mờ hoặc giấu ảnh con mình bằng cách thêm hình mặt nạ để bảo vệ sự riêng tư. Bạn sẽ có thể thoải mái sử dụng bức ảnh của mình nếu nó được chụp tại các sự kiện công cộng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế chụp hình, quay phim ở nơi quá đông đúc, làm ảnh hưởng sự thoải mái, riêng tư của những người xung quanh.
Lưu ý bảng cấm chụp ảnh
Tại Nhật Bản, bạn có thể bắt gặp bảng cấm chụp ảnh này ở rất nhiều nơi phổ biến như: Đền, Chùa, viện bảo tàng, và ngay cả siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Khi đến thăm viếng một đền chùa nào đó, du khách có thể tự do chụp ảnh ngoài khuôn viên, nhưng khi vào phía bên trong chính điện, du khách thường được yêu cầu không chụp ảnh để bảo vệ sự tôn nghiêm của nơi này.
Ngoài ra, khi đi siêu thị thấy nhiều sản phẩm dễ thương quá thì mình muốn chụp ảnh gửi ngay về chia sẻ bạn bè, tuy nhiên nhiều cửa hàng xem đây là hành động không hợp pháp vì có thể là mối đe dọa đối với tài sản trí tuệ của họ. Nhưng cũng có nhiều cửa hàng coi việc khách hàng chụp ảnh là việc tốt vì họ được marketing miễn phí. Vì vậy, bạn hãy luôn kiểm tra các dấu hiệu, biển báo để bảo đảm chắc chắn cho biết nơi này có được phép chụp ảnh hay không trước khi lấy máy ảnh ra chụp nhé!
Lệnh cấm chụp ảnh ở nhiều địa điểm ở Cố đô Tokyo
Trước thực trạng có quá nhiều du khách đổ về các điểm tham quan, Cố đô Tokyo, nơi có 17 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, đã ra lệnh cấm chụp ảnh ở hầu hết các khu vực. Nếu từng mơ ước được chụp cùng các Geisha và Maiko trong bộ Kimono kiểu cũ trên con đường lát đá yên tĩnh, thì bạn có thể sẽ muốn suy nghĩ lại các kế hoạch. Thậm chí còn có nơi áp dụng lệnh cấm chụp với khoản tiền phạt lên tới 10.000 Yên.
Chụp ảnh ở suối nước nóng
Ở Nhật Bản, tắm suối nước nóng được xem là loại hình văn hóa độc đáo, có quy định rõ ràng về việc không được mặc đồ, khu vực nam – nữ phân chia riêng biệt. Việc mang điện thoại vào khu vực này cũng rất nhạy cảm, thường không được chấp nhận. Dù bạn có ý định chỉ chụp bản thân, điều đó cũng có thể khiến người xung quanh cảm thấy không an toàn, ảnh hưởng quyền riêng tư.
Không chụp ảnh chính diện đền thờ
Những ngôi đền với kiến trúc độc đáo là một trong những điểm đến hấp dẫn tại “xứ sở hoa anh đào”. Việc bạn ghi lại hình ảnh đẹp nơi đây không có gì sai trái, tuy nhiên, du khách chỉ nên chụp những góc chéo, tránh chụp chính diện. Việc này được cho là thể hiện sự tôn kính các vị thần.
Lời đề nghị chụp ảnh của người dân địa phương
Người Nhật, đặc biệt là các nhóm học sinh rất hứng thú khi được chụp ảnh cùng khách du lịch nước ngoài. Điều này thường diễn ra ở những nơi công cộng như: Công viên Hòa bình Hiroshima, khu vực gần trường học. Đừng lo lắng, khác với một số quốc gia khác, du khách sẽ không gặp vấn nạn bị đòi tiền hay ép mua một món hàng gì đó. Người Nhật đơn giản muốn chụp ảnh cùng người xa lạ.
Chụp ảnh đồ ăn quá lâu
Bàn ăn Nhật Bản được trình bày rất đẹp mắt. Rất ít nhà hàng có chính sách cấm việc chụp ảnh đồ ăn. Vì vậy, du khách có thể thoải mái chụp lại bàn thức ăn phong phú của mình nếu không nhận thấy dấu hiệu cấm chụp ảnh xung quanh. Nhiều người Nhật cũng chụp ảnh bữa ăn của họ, do đó bạn cũng không phải cảm thấy khó xử khi làm điều này.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là du khách chỉ nên chụp ảnh đồ ăn chứ không phải các khách hàng khác, nội thất cửa hàng hoặc nhân viên.
Hơn nữa, đầu bếp đã dành nhiều tâm huyết vào các món ăn nên luôn muốn thực khách thưởng thức khi chúng còn tươi ngon nhất thay vì mất quá nhiều thời gian cho việc chụp hình. Vì vậy, việc hạn chế chụp ảnh đồ ăn, thức uống tại Nhật Bản là cách thể hiện sự tôn trọng đầu bếp, món ăn.
3 người chụp chung một bức ảnh
Người Nhật kiêng kỵ việc 3 người chụp chung một bức ảnh. Bởi nếu chụp chung thì người đứng giữa sẽ bị 2 người đứng bên trái và bên phải kẹp lấy. Đây là điềm không may mắn.
Khách ở vị trí trung tâm bức ảnh
Ở Nhật Bản, vị trí chính giữa được xem là quan trọng và nổi bật nhất trong ảnh. Và vị trí trung tâm này thường dành cho khách mời. Trong một vài trường hợp đặc biệt, nguyên tắc này sẽ không đúng nếu có sự xuất hiện của người già. Người Nhật coi đây là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn tuổi.
Biểu tượng hòa bình
Ở Nhật Bản, cách phổ biến để thể hiện sự vui vẻ khi chụp ảnh là giơ 2 ngón tay tạo biểu tượng chữ V. Đó là điều hầu hết người Nhật đều làm khi chuẩn bị chụp ảnh. Những đứa trẻ khi đứng trước máy ảnh sẽ tự động nghiêng đầu một bên, cười và giơ ký hiệu chữ V.
Không sử dụng gậy selfie, chân máy ảnh, flycam
Đạo luật cấm vật thể bay không người lái của Nhật nghiêm cấm flycam hoặc máy bay điều khiển từ xa các loại bay qua khu dân cư hoặc khu vực xung quanh sân bay mà không có sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông.
Gậy selfie hoặc chân máy cũng bị cấm ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Trong khu vực đông người, gậy selfie có thể đập vào mặt người khác, hoặc chân máy được đặt bất cẩn có thể khiến ai đó va phải và vấp ngã. Đặc biệt gậy selfie bị cấm tuyệt đối ở các sân ga tàu điện và Shinkansen. Lý do là gậy selfie có thể cản trở tầm nhìn của người khác hoặc bị vướng vào các dây điện ở sân ga tàu điện dẫn đến tai nạn chết người.
Với những thông tin chia sẻ trên đây, hi vọng người lao động sẽ yên tâm với vấn đề chụp ảnh check-in trong thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản. Chúc các bạn có một hành trình đầy thú vị!
(Nguồn: tổng hợp)